Chọn chất chống thấm
Theo kiến trúc sư Nguyễn Hòa, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại Hòa Phú (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), thấm, dột do rất nhiều nguyên nhân, nhiều nhà sửa chống thấm nhiều lần vẫn bị thấm dột. Các điểm thấm dột là những khu vực thường tiếp xúc với nước (khe co giãn, khe hở, nứt cổ trần, cổ ống xuyên sàn, bể nước, hố thang máy, sàn vệ sinh, sàn mái, sân thượng…), vào mùa mưa bão, lượng nước cần thoát lớn và nước sẽ gây thấm dột công trình dân dụng. Hầu hết gia chủ khi thấy nhà bị thấm nhẹ đã tặc lưỡi bỏ qua, lâu ngày gây thấm dột trên diện rộng mới tìm thợ sửa chữa.
Việc chống thấm rất khó, đòi hỏi thợ chuyên nghiệp chống thấm, có kinh nghiệm, thi công đúng quy trình và cẩn thận mới xử lý được. Với nhà tập thể, chung cư có thiết kế nhiều khi thợ cũng phải mày mò đục nát sàn, tường theo các đường ống âm để tìm. Còn nhà xây tự phát không bản vẽ tìm chỗ thấm rất khó, nhiều khi làm đi làm lại không hết thấm.
Anh Bùi Tuấn, Công ty TNHH xây dựng và thương mại suachuanhadthouse (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, việc chống thấm hiệu quả phải làm ngay khi xây dựng, khi bê tông chưa khô hẳn thì mới làm cho hợp chất chống thấm ăn sâu, sau này ít bị thấm - dột. Còn khi đưa công trình vào sử dụng, chống thấm chỉ là đối phó tạm thời, vì hiện chưa có kỹ thuật - hóa chất chống thấm nào là vĩnh cửu.
Quan trọng là chọn vật liệu chống thấm là các chất hoá học liên kết tạo thành lớp màng ngăn nước có thương hiệu, vật liệu công nghệ tiên tiến… đảm bảo chất lượng. Hóa chất chống thấm nhà có hàng trăm loại khác nhau, nhưng chủ yếu có 2 dạng nước và bột. Sau khi kỹ sư khảo sát, tìm ra nguyên nhân thấm dột, sẽ chỉ ra vật liệu chống thấm dột phù hợp.
Đơn giản nhất là dùng sơn, hoặc keo chống thấm tường tạo lớp màng liên kết bảo vệ bề mặt tường, sàn, nhưng cần sơn ngay hoàn thiện và đúng loại cho từng bề mặt. Với những vách tường không cần thẩm mỹ cao thì dùng sơn nước chống thấm gốc xi măng. Với nơi tường cần thẩm mỹ, hoặc chống thấm sàn thường chọn hỗn hợp chống thấm khô nhanh. Để hạn chế thấm dột ở những khe hở cửa, lỗ đinh… lại dùng sơn chống thấm sinh hóa, sơn nước, keo silicon…
Bột chống thấm thường là phụ gia và xi măng trộn dùng ngay khi đổ bêtông. Chất chống thấm sàn dạng dẻo dùng phủ lên bề mặt sân thượng, sàn nhà vệ sinh… trước khi lót gạch.
Trong xây dựng cơ bản còn có cao su lỏng dùng cho các công trình xây dựng có những vết nứt chưa ổn định để khi vết nứt phát triển thì cao su lỏng tự đàn hồi và co giãn, khắc phục rất hiệu quả khi gặp mưa lớn hay úng ngập.
Thợ chống thấm cần biết sử dụng vật liệu đồng bộ, đúng tỉ lệ, đúng cách mới có hiệu quả, kẻo bịt chỗ này, nước sẽ chảy đến chỗ khác, gây tốn kém cả tiền bạc và thời gian sửa chữa. Muốn chống thấm kiểu gì, thì người thợ cũng phải làm sạch bề mặt tường, cạo lớp vôi cũ và rửa sạch, nếu tường bị thấm thì phải xử lý chống thấm rồi mới bả matít và lăn sơn.
Vài cách xử lý thấm dột
Theo KTS Nguyễn Hòa, nhà hiện đại kiến trúc hộp kỹ thuật có nhiều ống, dây dẫn thông tầng, thường xuyên ẩm ướt… rất khó sửa chữa. Để giải quyết triệt để chỉ có cách bóc dỡ và chống thấm lại toàn bộ sàn. Ngoài ra, có thể xử lý ở những điểm khác trong nhà như sau:
Trần nhà: Nếu mới bị ố vàng dùng sơn chống thấm khô nhanh trong 1-2 giờ. Trần bị thấm nước nhiều gây dột thì xử lý nơi bị thấm, rồi phủ bề mặt bằng sợi thủy tinh, keo chống thấm, rồi trét xi măng lại.
Mái nhà: Nên trám bít, hoặc dùng tấm nhôm mỏng để che nước. Nếu các máng xối thoát nước không kịp thì thay mới máng xối lòng sâu, hoặc đục thêm lỗ thoát nước, hoặc đổ vữa xi măng trộn phụ gia chống thấm. Các vết nứt trên máng xối, ô văng, sân thượng cũng dùng cách này nhưng dày hơn.
Chống thấm giữa tường hai nhà: Dùng màng chống thấm companit, aikaproof membrane.
Thấm do nứt tường: Trám vữa xi măng, trát lớp chống thấm chuyên dụng, rồi sơn lại tường. Nếu thấm do bị nứt kết cấu thì dùng keo chuyên dụng bơm đầy, phủ tiếp lớp chống thấm có gốc xi măng kháng nước lên rồi trát vữa.
Thấm tường từ bên ngoài: Nên sơn bả tường để chống thấm. Trát tường thêm lớp chống thấm chuyên dụng.
Thấm quanh phễu thu nước thải: Dùng keo chuyên dụng, loại “ăn” dính cả bê tông, nhựa. Hoặc dùng inox trám quanh chỗ tiếp giáp giữa phễu với bêtông, rồi trát thêm lớp chống thấm có gốc xi măng, rồi mới sơn lại.
Tường nhà cũ bị thấm nước, nứt
Nhà cũ có 3 cách thông dụng là: Sơn chống ẩm mốc, dùng giấy dán tường, hoặc gỗ, gạch ốp tường. Hoặc dùng sơn chống thấm, vữa trám trét lỗ hổng và vết nứt lớn. Sau đó phủ sơn chống kiềm, chờ khô mới phủ 2 lớp sơn chống thấm lên trên.
- Nhà chia lô nên quét xi măng lên các mặt bên và mặt sau của nhà để bảo vệ tường. Công đoạn này hay bị thợ ăn bớt, nên quan sát để thợ quét 2 nước cách nhau ít nhất 4 giờ, lớp trước se mới dễ bám lớp sau.
- Nhà riêng biệt chống thấm có thể khắc phục được hoàn toàn bằng sơn, hoặc phụ gia chống thấm.
- Khu dân cư triều cường cao hay bị “thấm từ dưới lên”. Cần gỡ nền gạch lên (lúc này gạch bong dễ gỡ), dùng chất phụ gia chống thấm trộn chung chống thấm từ dưới lên.
- Nhà chung cư thấm dột trần, hoặc nhà vệ sinh của tầng trên chống thấm rất khó, chỉ có thể khắc phục tạm thời.
- Khuyến cáo các chủ đầu tư nên chống thấm mốc ẩm ướt ngay từ khi bắt đầu xây dựng. Chọn vật liệu chống thấm theo kiến trúc sư tư vấn.
- Mái nhà cần có độ dốc ít nhất 3% để thoát nước hiệu quả và cần phủ các vật liệu chống thấm, sơn chống thấm lên chân tường ít nhất là 10cm, nước sẽ không bị ngấm xuống mái.
- Chọn máng xối đường kính phù hợp để không bị trào ngược nước (phi 60mm thoát nước cho mái dưới 40m2, phi 90 mm thoát cho mái 70 – 100m2...).
- Thường xuyên kiểm tra đường ống nước kỹ thuật để phát hiện rò rỉ và tìm cách khắc phục sớm nhất.
Tác giả bài viết: Uyển Hương
Nguồn tin: giadinh.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn